1. Về cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế:
Tại khoản 3 Điều 127 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có quy định:
“3. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày ban hành quyết định; trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thì có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.”
Căn cứ quy định trên, quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.
Về đề xuất “kéo dài hiệu lực của quyết định phong tỏa tài khoản là 01 năm như các trường hợp cưỡng chế khác quy định tại Luật Quản lý thuế”: Tổng cục Thuế ghi nhận để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế.
2. Về ban hành đồng thời nhiều biện pháp cưỡng chế.
Tại điểm c khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có quy định:
“c) Trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Tại tiết b.2 điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có quy định:
“3. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
…
b.2) Trường hợp quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, nếu không đủ điều kiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà có hiệu quả thì cơ quan quản lý thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế có hiệu quả. Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này mà có thông tin, điều kiện thực hiện biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo hiệu quả hơn thì cơ quan quản lý thuế đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.”
Tại khoản 3 Mục I Phần B Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hướng dẫn:
“3. QĐCC đối với từng NNT phải được ban hành liên tục, nối tiếp nhau.
Đối với các biện pháp cưỡng chế d, đ, e quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế, trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này mà có thông tin điều kiện thực hiện biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo hiệu quả hơn thì cơ quan quản lý thuế đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.”
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với người nộp thuế mà cơ quan thuế đang áp dụng các biện pháp cưỡng chế d, đ, e quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế, trường hợp quyết định cưỡng chế chưa hết hiệu lực mà Cục Thuế tỉnh Nghệ An có thông tin, điều kiện thì Cục Thuế thực hiện áp dụng đồng thời biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo quy định tại Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
3. Về cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên và cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ:
Tại khoản 1 Điều 126 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có quy định:
“1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 125 của Luật này. ”
Tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 có quy định.
“3. Đối với cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước:
Cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý thuế đối với khoản thu được giao trên địa bàn của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể:
…
d) Thực hiện các biện pháp đôn đốc nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế đối với khoản thu được giao quản lý.”
Tại khoản 6 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 có quy định:
“6. Trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế là chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn tỉnh/huyện này nhưng có trụ sở chính ở địa bàn tỉnh/huyện khác, cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc không có đủ điều kiện để thực hiện cưỡng chế hoặc không thực hiện được quyết định cưỡng chế thì cơ quan thuế quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trụ sở chính để cơ quan thuế quản lý trụ sở chính thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế.” |