NHỮNG THAY ĐỔI CẦN THIẾT TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG VIỆC LÀM – THỜI KỲ HẬU COVID
Những thay đổi cần thiết trong lĩnh vực lao động việc làm – thời kỳ hậu Covid
NHỮNG THAY ĐỔI CẦN THIẾT TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG VIỆC LÀM – THỜI KỲ HẬU COVID
Đại dịch Covid – 19 được biết đến là một đại dịch bệnh truyền nhiễm, với tác nhân là virus SARS-CoV-2 diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch Covid – 19 đã tàn phá nghiêm trọng tổng thể nền kinh tế và thị trường lao động toàn cầu, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”. Sự tàn phá của đại dịch không chỉ với các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến cho nhiều nền kinh tế lớn rơi vào tình trạng bế tắc: kinh tế suy giảm, thất nghiệp tràn lan, nghèo đói gia tăng, v.v.
Tại Việt Nam, khi thị trường lao động việc làm vừa có tín hiệu khởi sắc từ việc chính phủ ký kết các hiệp định thương mại (FTA, EVFTA, CPTPP), từ xu hướng dịch chuyển công nghiệp tới Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và từ nhu cầu cấp thiết cho sự đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các quốc gia và tập đoàn đa quốc gia thì đại dịch Covid-19 xuất hiện (từ tháng 1 năm 2020) đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2021 – khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện đặc biệt nguy hiểm là dịch bênh đã len lỏi vào các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang – nơi có khoảng hàng trăm ngàn người lao động – dẫn đến việc chính quyền phải áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để trong tháng 5 năm 2021. Đỉnh điểm là việc tạm dừng hoạt động 4 KCN để củng cố lại công tác phòng chống dịch; các doanh nghiệp tại những địa bàn giãn cách xã hội cũng tạm dừng hoạt động SXKD để phối hợp chính quyền trong công tác phòng chống dịch làm cho hàng trăm ngàn lao động mất việc làm tạm thời, nền kinh tế bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Từ biến cố trên cho thấy ở thị trường lao động việc làm, các thành phần liên quan cần có những thay đổi cần thiết cho phù hợp, thích nghi hơn với tình hình thực tế khi phải chuyển sang chế độ duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện sống chung với dịch bệnh hoặc các yếu tố rủi ro khách quan bên ngoài khác:
Về quản lý nhà nước
– Có sự định hướng phát triển kinh tế phù hợp để phát huy điểm mạnh của từng địa bàn, VD: khu vực nào phù hợp SX CN nặng, khu vực nào phù hợp SX công nghệ cao, khu vực nào nhiều lao động tại chỗ, khu vực nào gần vùng nguyên, nhiên liệu…
– Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về công nghiệp và đô thị đồng bộ, đảm bảo an cư lạc nghiệp để người lao động không phải tiêu tốn thời gian, tiền của trong việc di chuyển từ chỗ ở đến chỗ làm và ngược lại.
– Quan tâm, chú trọng việc đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vừa đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho tầng lớp công nhân được tái tạo sức lao động vừa tập trung công nhân tại một khu vực thuận tiện cho việc quản lý nhân khẩu và phòng, chống dịch bệnh (nếu có);
– Ban hành các quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ phương tiện đưa đón công nhân trong việc tuân thủ các điều kiện về an toàn giao thông và phòng chống dịch.
Về phía doanh nghiệp
– Ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ nhằm hạn chế các rủi ro khi xảy ra các biện pháp cách ly, giãn cách giữa các vùng miền;
– Có chính sách hỗ trợ một phần chi phí lưu trú cho người lao động ngoại tỉnh (nếu ở tại các điểm tập trung gần công ty);
– Tạo lập môi trường làm việc đảm bảo an toàn lao động (bố trí sắp xếp lao động từng phân xưởng, bộ phận phù hợp với địa chỉ thường trú nhằm đảm bảo tránh lây nhiễm chéo diện rộng);
– Đổi mới & nâng cao công nghệ, nhất là công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân tố con người;
– Có chính sách đãi ngộ và khen thưởng người lao động có thâm niên gắn bó với công ty nhằm ổn định đội ngũ CB, CNV tránh lãng phí chi phí đào tạo, phúc lợi đã đầu tư;
– Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, gắn kết Doanh nghiệp với người lao động.
Về phía người lao động
– Xác định, lựa chọn việc làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và gia đình (làm nghề gì phù hợp với trình độ, sức khỏe; làm ở đâu thuận lợi, an toàn cho việc di chuyển đi làm hàng ngày?);
– Luôn học hỏi kiến thức chuyên môn & rèn luyện ý thức để trở thành lao động giỏi trong đơn vị;
– Tuân thủ các nội quy, quy định của công ty cũng như quy định của pháp luật có liên quan.
Tóm lại, trước diễn biến khó lường của đại dịch SARS CoV- 2 cũng như sự biến động khôn lường của nền kinh tế thế giới, các thành phần tham gia đều phải có sự thay đổi, phù hợp và thích ứng với tình hình mới. Chỉ có vậy mới vượt qua sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu, người lao động giữ được việc làm ổn định, doanh nghiệp có cơ hội tồn tại và phát triển, Nhà nước giữ vững được an ninh kinh tế và bảo vệ được chủ quyền quốc gia.