BẢN TIN THUẾ VÀ PHÁP LUẬT THÁNG 11/2021
Bản tin thuế và pháp luật tháng 11/2021.
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Mục lục bài viết
- 1 Tóm tắt
- 2 Văn bản hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid -19.
- 3 Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ DNNVV áp dụng từ ngày 15/10/2021
- 4 Chế độ kế toán cho hộ kinh doanh
- 5 Văn bản quản lý thuế
- 6 Thuế thu nhập doanh nghiệp
- 7 Thuế thu nhập cá nhân
- 8 Thuế Giá trị gia tăng
- 9 CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Tóm tắt
Văn bản hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid -19
Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15
Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021
Chế độ kế toán cho hộ kinh doanh
Thông tư số 88/2021/TT-BTC Ngày 11/10/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 88/2021/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai
Văn bản quản lý thuế
Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Công văn số 3887/TCT-CS ngày 8/10/2021 về khoản chi ủng hộ tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19
Thuế thu nhập cá nhân
Công văn số 3823/TCT-DNNCN ngày 5/10/2021 về chính sách thuế TNCN
Thuế Giá trị gia tăng
Công văn số 3853/TCT-CS ngày 7/10/2021 về thuế suất thuế GTGT đối với nhà ở xã hội
Văn bản hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid -19.
Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19
Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15
Các giải pháp gồm giảm, miễn một số khoản thuế TNDN, GTGT và thuế TNCN phải nộp đối với các đối tượng chịu tác động của dịch bệnh năm 2021.
Đối tượng được giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2021 gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập.
– Người nộp thuế thuộc đối tượng giảm thuế có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019.
Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.
– Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản mà trong kỳ tính thuế TNDN hoạt động không đủ 12 tháng thì doanh thu của kỳ tính thuế đó được xác định bằng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế nhân (x) với 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
– Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN bao gồm doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thể hiện trên báo cáo tài chính tổng hợp năm.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn số thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021.
– Đối tượng được miễn gồm Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021. Danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 quy định tại khoản này do Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ xác định và công bố.Không áp dụng việc miễn thuế quy định tại khoản này đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.
– Các trường hợp đã nộp số thuế phát sinh phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 thì sẽ được cơ quan thuế xử lý bù trừ số tiền thuế nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo và xử lý hoàn nộp thừa (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Giảm 30% thuế GTGT kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
a) Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.
b) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệthuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. (Nghị định ban hành Bản danh mục chi tiết các sản phẩm, dịch vụ được giảm thuế GTGT phân loại theo mã thuộc Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam).
Người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020 được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền Cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinhtrong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp.
Người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp, trong đó nêu rõ số lỗ phát sinh của kỳ tính thuế năm 2020 theo Mẫu số 01/MTCN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này gửi đến cơ quan thu.
Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19
Trong đó, hướng dẫn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) xuống 0% trong 12 tháng như sau:
* Đối tượng được hỗ trợ
Người sử dụng lao động đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/ 2021, không bao gồm các trường hợp sau:
– Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.
– Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thườngxuyên theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
* Giảm mức đóng và thời gian thực hiện
– Giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng đang tham gia BHTN.
– Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/ 2022.
– Hàng tháng, trong thời gian từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022, cơ quan BHXH thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng đang tham gia BHTN thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ DNNVV áp dụng từ ngày 15/10/2021
Tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, các tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ:
– Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:
+ Sử dụng lao động có tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người;
+ Tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
– Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
+ Sử dụng lao động có tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người
+ Tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ:
– Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:
+ Sử dụng lao động có tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người;
+ Tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại điểm 1.
– Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
+ Sử dụng lao động có tham gia BHXH bình quân năm không quá 50 người
+ Tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại điểm 1.
Doanh nghiệp vừa:
– Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:
+ Sử dụng lao động có tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người;
+ Tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại các điểm 1, 2 trên đây.
– Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
+ Sử dụng lao động có tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người;
+Tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại các điểm 1, 2 trên đây.
Chế độ kế toán cho hộ kinh doanh
Thông tư số 88/2021/TT-BTC Ngày 11/10/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 88/2021/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019 quy định: “Hộ kinh doanh, cánhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.” Theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP, trong đó tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ như trên.
Về các loại chứng từ sử dụng trong công tác kế toán, Thông tư 88/2021 hướng dẫn Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng các loại chứng từ gồm: Phiếu thu, phiếu chi, phiếu nhập xuất kho, bảng thanh toán lương cho người lao động. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn và hóa đơn điện tử theo quy định của Luật quản lý thuế.
– Các loại sổ kế toán sử dụng gồm:
+ Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ;
+ Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa;
+ Sổ chi phí sản xuất, kinh doanh;
+ Sổ theo dõi tình hình nộp thuế;
+ Sổ theo dõi thanh toán lương;
+ Sổ quỹ tiền mặt;
+ Sổ tiền gửi ngân hàng.
Các loại chứng từ và sổ kế toán nêu trên được thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 88/2021.
Văn bản quản lý thuế
Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Thông tư tập trung hướng dẫn về các nội dung quản lý thuế như:
Đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi;
Khai thuế, tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế, mẫu biểu khai thuế;
Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; xử lý đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa;
Hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ gia hạn nộp thuế;
Trình tự, thủ tục hoàn thuế, phân loại và tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế;
Hồ sơ miễn thuế, giảm thuế; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
Trình tự, thủ tục hồ sơ kiểm tra thuế;
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Tại Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về xử lý chuyển tiếp áp dụng đối với các công việc cụ thể liên quan đến thực hiện trách nhiệm cũng như quyền lợi của người nộp thuế như:
– Các Quyết định gia hạn nộp thuế, Quyết định nộp dần tiền thuế nợ, Thông báo chấp nhận không tính tiền chậm nộp đã ban hành trước ngày 01/01/2022: sẽ được thực hiện đến hết thời gian ghi trên Quyết định, Thông báo.
– Các khoản nộp thừa của người nộp thuế (bao gồm cả các khoản phát sinh trước thời điểm 01/01/2021) và việc Cơ quan thuế thực hiện các thủ tục xử lý không hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa (Điều 26 Thông tư 80/2021).
– Đối với hồ sơ khai thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 và khoản 5 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015. Thông tư 80/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Công văn số 3887/TCT-CS ngày 8/10/2021 về khoản chi ủng hộ tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Theo quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ. Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Để đảm bảo việc tính khoản chi ủng hộ, tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đúng thực tế phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách của nhà nước để trục lợi, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế rà soát các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Đối với trường hợp ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật, đặc biệt là trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư y tế, Cục Thuế thực hiện kiểm tra, xác minh hóa đơn, chứng từ, tờ khai hàng hóa nhập khẩu (nếu có) và so sánh, đổi chiếu với giá của sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường tại thời điểm doanh nghiệp mua. Trên cơ sở đó, Cục Thuế xác định những trường hợp kê khai không đúng giá trị khoản ủng hộ, tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để có biện pháp quản lý thuế phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.
Công văn số 3897/TCT-CS ngày 11/10/2021 về chính sách thuế TNDN
Trường hợp Công ty có trụ sở chính tại tỉnh Hải Dương có chi nhánh hạch toán phụ thuộc tại tỉnh Sơn La đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN thì Công ty phải tính riêng thu nhập từ hoạt động chăn nuôi lợn tại tỉnh Sơn La với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc để kê khai, nộp thuế riêng và không thực hiện phân bổ số thuế TNDN phải nộp tại Sơn La theo tỷ lệ chi phí. Số thuế phải nộp tại tỉnh Sơn La trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN được xác định trên cơ sở phần thu nhập phát sinh tương ứng tại tỉnh Sơn La. Đồng thời, kết thúc năm tính thuế, Công ty phải quyết toán thuế TNDN với cơ quan thuế quản lý trụ sở chính theo quy định.
Trường hợp Chi nhánh công ty có thu nhập từ hoạt động chăn nuôi lợn tại Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nếu đáp ứng các điều kiện theo quy đỉnh tại Khoản 2 Điều 1 Nghi định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ thì khoản thu nhập này thuộc thu nhập miễn thuế. Công văn số 3918/TCT-CS ngày 12/10/2021 về xác định doanh thu tính thuế TNDN theo Nghị định số 114/2020/NĐ-CP Theo quy định của pháp luật kế toán hiện hành (Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014), Doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ không bao gồm các loại thuế: Thuế GTGT phải nộp (theo phương pháp trực tiếp), Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế xuất khẩu, Thuế Bảo vệ môi trường.
Căn cứ các quy định nêu trên, doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Bạc Liêu bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thuế thu nhập cá nhân
Công văn số 3823/TCT-DNNCN ngày 5/10/2021 về chính sách thuế TNCN:
– Khoản thu nhập từ khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do Công ty chi trả phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại tiết g.5, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
– Khoản thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ Luật Lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.
– Trường hợp người lao động của công ty là cá nhân cư trú và Công ty chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai triệu (2.000.000) đồng lần trở lên cho người lao động kỷ hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng hoặc chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai triệu (2.000.000) đồng/1ần trở lên cho người lao động vào thời điểm sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% trên tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Trường hợp người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người lao động có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi Công ty để Công ty làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Thuế Giá trị gia tăng
Công văn số 3853/TCT-CS ngày 7/10/2021 về thuế suất thuế GTGT đối với nhà ở xã hội
– Trường hợp bán nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%. Nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và đáp ứng các tiêu chí về nhà ở, về giá bán nhà, về giá cho thuê, về giá cho thuê mua, về đối tượng, điều kiện được mua, được thuê, được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở
– Trường hợp bán nhà ở không phải là nhà ở xã hội thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.
– Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển, và quản lý nhà ở xã hội (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điểm 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bố sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP nêu trên).
Để được tư vấn đầy đủ về các vấn đề nêu trên xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:
Văn phòng Bắc Giang Tầng 5, tòa nhà 269 Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, TP Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang Tel: +84 2046 536 666 Email: headoffice@facovietnam.com Website: facovietnam.com |
Văn phòng Bắc Ninh Số 425 Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh Tel: +84 386 014 688 Email: contact.facobacninh@gmail.com Website: facovietnam.com |
© Bản quyền thuộc về Công ty TNHH Tư vấn tài chính – Kiểm toán Faco Việt Nam
Ấn phẩm này chỉ chứa những nội dung mang tính thông tin chung, không nhằm đưa ra những hướng dẫn và tư vấn cụ thể nào về kế toán, thuế, pháp lý hay những vấn đề chuyên môn khác và không được cung cấp cho bất kỳ trường hợp cụ thể của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Độc giả cần tham khảo các ý kiến của các chuyên gia tư vấn đối với bất cứ vấn đề cụ thể nào.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 5, Tòa nhà 269 Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh
Dịch vụ làm Báo cáo tài chính trọn gói