Chính sách mới về BHXH, tiền lương có hiệu lực từ 10/2022
Chính sách mới về BHXH, tiền lương có hiệu lực từ 10/2022
Từ tháng 10/2022 sẽ có nhiều thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền lương đối với công chức viên chức. Theo đó ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và các đơn vị doanh nghiệp. Dưới đây là những thông tin cần lưu ý để chủ động trong công việc và tránh các sai phạm không đáng có.
Những chính sách BHXH, tiền lương của công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 10/2022.
- Không còn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Nghị quyết 116/NQ-CP ban hành ngày 24/9/2021 nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước ngày 1/10/2021 được hỗ trợ mức đóng BHTN là 1%. Mức hỗ trợ đóng BHTN áp dụng trong vòng 1 năm từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Cụ thể quy định giảm mức đóng như sau:
“Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.
Như vậy, từ ngày 1/10/2022 mức đóng BHTN của NSDLĐ sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. NSDLĐ đã được giảm mức đóng BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP không còn hỗ trợ giảm mức đóng BHTN. Đồng thời các đơn vị, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý để có thể kịp thời bổ sung tiền đóng BHTN cho người lao động, tránh việc quên, nộp chậm dẫn đến bị phạt.
- Quy định hệ số lương với các ngạch công chức ngành NN&PTNT
Căn cứ theo quy định tại Điều 24, Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT ban hành ngày 11/08/2022 quy định về cách xếp lương đối với các ngạch công chức ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Theo đó, các ngạch công chức ngành NN&PTNT quy định tại Thông tư này áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ công chức viên chức trong các cơ quan nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004.
Xếp lương cho cán bộ công chức, viên chức theo Bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
2.1 Xếp lương cho các ngạch công chức ngành NN&PTNT
Cụ thể cách xếp lương cho các ngạch công chức ngành NN&PTNT như sau:
- Ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
- Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
- Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, kiểm soát viên trung cấp đê điều, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
2.2 Xếp lương khi hết thời gian tập sự cho các ngạch công chức ngành NN&PTNT
Trường hợp hết thời gian tập sự theo quy định được cấp có thẩm quyền quản lý công chức quyết định bổ nhiệm ngạch công chức thì thực hiện xếp bậc lương được bổ nhiệm theo quy định tại Khoản 2, Điều 24, Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT.
- Có trình độ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 3, hệ số 3,00 của các ngạch công chức quy định tại điểm (3) mục 2.1.
- Có trình độ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số 2,67 của các ngạch công chức quy định tại điểm (3) mục 2.1.
- Có trình độ đào tạo cao đẳng chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số 2,06 của các ngạch công chức quy định tại điểm (4) mục 2.1.
Hiện tại, mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000 đồng/tháng và không có sự thay đổi. Công chức, viên chức sẽ căn cứ vào bảng lương và mức lương cơ sở hiện tại và bảng lương mới để tính mức lương cho mình. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 06/10/2022.
- Cách xếp lương viên chức ngành thông tin và truyền thông
Thông tư 13/2022/TT-BTTTT được ban hành ngày 26/8/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông, theo đó quy định cách xếp lương cho viên chức ngành thông tin, truyền thông.
Xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên.
Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức. Đồng thời, quy định khi bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp đã nêu thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 17, Thông tư 13/2022/TT-BTTTT các chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Lưu ý: Việc xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007.
Thông tư 13/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 10/10/2022, do đó cũng là thời điểm chính thức áp dụng xếp lương cho viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông theo quy định mới.
- Bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức lưu trữ
Bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức lưu trữ được quy định tại Thông tư 07/2022/TT-BNV ban hành ngày 31/8/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.
Theo Thông tư 13/2014/TT-BNV hiện nay vẫn yêu cầu từng chức danh phải đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học tùy theo hạng. Tuy nhiên, theo nội dung Thông tư 07/2022/TT-BNV quy định về tiêu chuẩn trình độ, đào tạo bồi dưỡng với các chức danh viên chức ngành lưu trữ thì không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với từng vị trí.
Ví dụ: Theo quy định cũ trước kia đối với chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên hạng III (Mã số: V.01.02.02) cần đáp ứng điều kiện có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam; có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Như vậy, với 4 lưu ý về chính sách BHXH, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2022 được chia sẻ từ Faco Việt Nam hy vọng sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc. Các đơn vị, doanh nghiệp, công chức viên chức nắm rõ để chủ động trong công việc và tránh được các rủi ro không đáng có.
Nguồn: ST
NỢ XẤU LÀ GÌ? PHÁT SINH NỢ XẤU CÓ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO?
Nợ xấu là gì? Phát sinh nợ xấu có ảnh hưởng thế nào?
Nợ xấu là một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Vậy cụ thể nợ xấu là gì? Người vay phải chịu hậu quả như thế nào khi phát sinh nợ xấu?
- Nợ xấu là gì?
Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.
Những người dính nợ xấu sẽ bị liệt kê vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.
- Xác định nợ xấu thế nào?
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 02/2013/TT-NHNN, sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 09/2014/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ theo 05 nhóm như sau:
– Nhóm 1 – nợ đủ tiêu chuẩn: bao gồm 03 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ trong hạn và nợ quá hạn dưới 10 ngày được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;
– Nhóm 2 – nợ cần chú ý: bao gồm 03 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 10 – 90 ngày và nợ đã được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu;
– Nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn: bao gồm 05 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 91 – 180 ngày và nợ đã được gia hạn lần đầu;
– Nhóm 4 – nợ nghi ngờ: bao gồm 06 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 181 – 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai;
– Nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn: bao gồm 08 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn trên 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
Nợ xấu thuộc các nhóm nợ 3, 4, 5 và có số ngày quá hạn thanh toán từ 90 ngày trở lên.
- Phát sinh nợ xấu có ảnh hưởng gì không?
Những khách hàng nằm trong các nhóm nợ 3, 4, 5 sẽ rất khó để tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng hay một công ty tín dụng nào khác.
Tất cả các thông tin về người vay nợ xấu bao gồm các khoản vay trong quá khứ, khoản vay nợ hiện tại, thời gian nợ quá hạn, họ tên người vay, nơi vay vốn sẽ được lưu lại trên trung tâm tín dụng là CIC trong thời hạn từ 03 – 05 năm sau khi người vay đã thanh toán đủ cả lãi lẫn gốc.
Chính vì vậy khách hàng khi vay nợ cần lưu ý những thông tin trên để tránh rơi vào nhóm nợ xấu và đánh mất cơ hội vay sau này.
- Nợ xấu cá nhân được xóa khi nào?
– Đối với các khoản vay dưới 10 triệu: Ngân hàng Nhà nước đã ngừng cung cấp lịch sử tín dụng các khoản vay quá hạn dưới 10 triệu đồng đã tất toán. Do vậy nếu có khoản vay dưới 10 triệu đồng đã tất toán, khách hàng không cần lo ngại về lịch sử nợ xấu tín dụng của mình.
– Đối với các khoản vay trên 10 triệu: Tất cả các thông tin về lịch sử tín dụng sẽ được cập nhật định kỳ hàng tháng. Sau 12 tháng kể từ ngày trả hết nợ xấu lịch sử tín dụng của người vay sẽ đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí cho vay của ngân hàng.
- Làm cách nào để phòng tránh nợ xấu?
Để tránh xảy ra tình trạng nợ xấu gây khó khăn cho việc vay vốn sau này, bạn đọc có thể tham khảo các phương pháp sau:
– Trước khi quyết định vay vốn, người vay nên tự đánh giá lại năng lực trả nợ của bản thân ở mức độ nào, đồng thời lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình thanh toán tiền vay để tránh gặp phải những biến cố bất ngờ có thể xảy ra.
– Sử dụng tiền vốn vay được một cách hợp lý để giúp cho việc thanh toán nợ được nhanh chóng.
– Có ý thức về thời gian phải thanh toán nợ, trả nợ đúng hạn theo quy định
– Trong trường hợp bất khả kháng vì một lý do nào đó mà không thể trả nợ cho ngân hàng theo đúng cam kết thì hãy sớm liên hệ ngay với nhân viên ngân hàng để trao đổi và tìm ra phương án trả nợ tối ưu nhất.
Nguồn: luật việt nam
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh