CHỨNG TỪ LÀ GÌ? CHỨNG TỪ GỒM NHỮNG LOẠI NÀO?
CHỨNG TỪ LÀ GÌ? CHỨNG TỪ GỒM NHỮNG LOẠI NÀO?
Cùng với hóa đơn thì chứng từ là loại tài liệu không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy, chứng từ là gì, chứng từ gồm những loại nào và chứng từ có những nội dung gì?
Chứng từ là gì?
Chứng từ là tài liệu phải có trong hoạt động của doanh nghiệp, là các giấy tờ, tài liệu ghi lại nội dung sự kiện giao dịch, một nghiệp vụ nào đó đã được hạch toán và ghi vào sổ kế toán của các doanh nghiệp.
Hiện nay chứng từ được giải thích rõ tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:
“4. Chứng từ là tài liệu dùng để ghi nhận thông tin về các khoản thuế khấu trừ, các khoản thu thuế, phí và lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Chứng từ theo quy định tại Nghị định này bao gồm chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai thuế, phí, lệ phí được thể hiện theo hình thức điện tử hoặc đặt in, tự in.”.
Theo đó, hình thức chứng từ gồm chứng từ điện tử hoặc chứng từ đặt in, tự in, cụ thể:
– Chứng từ điện tử: Bao gồm các loại chứng từ, biên lai được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.
– Chứng từ đặt in, tự in: Bao gồm các loại chứng từ, biên lai được thể hiện ở dạng giấy do cơ quan thuế, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí đặt in theo mẫu để sử dụng hoặc tự in trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các thiết bị khác khi khấu trừ thuế, khi thu thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.
Ngoài chứng từ được quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP như trên thì Luật Kế toán 2015 cũng có giải thích về chứng từ kế toán như sau:
“Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.”.
- Các loại chứng từ kế toán cần biết
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 30 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, chứng từ trong lĩnh vực quản lý thuế, phí, lệ phí của cơ quan thuế bao gồm:
(1) Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân
Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là giấy tờ, văn bản cấp cho cá nhân được khấu trừ thuế thu nhập theo quy định của pháp luật. Đây là giấy tờ quan trọng với nội dung chính là ghi nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế đã khấu trừ.
(2) Biên lai
Trong đó, biên lai được chia thành các loại như sau:
– Biên lai thu thuế, phí, lệ phí không in sẵn mệnh giá.
– Biên lai thu thuế, phí, lệ phí in sẵn mệnh giá.
– Biên lai thu thuế, phí, lệ phí.
(3) Các loại chứng từ khác trong quản lý thuế, phí, lệ phí trong trường hợp có yêu cầu khác (loại chứng từ khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn thực hiện).
- Nội dung chứng từ
(1) Chứng từ khấu trừ thuế
Khoản 1 Điều 32 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định chứng từ khấu trừ thuế có các nội dung như sau:
– Tên chứng từ khấu trừ thuế, ký hiệu mẫu chứng từ khấu trừ thuế, ký hiệu chứng từ khấu trừ thuế, số thứ tự chứng từ khấu trừ thuế.
– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp.
– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế (nếu người nộp thuế có mã số thuế).
– Quốc tịch (nếu người nộp thuế không thuộc quốc tịch Việt Nam).
– Khoản thu nhập, thời điểm trả thu nhập, tổng thu nhập chịu thuế, số thuế đã khấu trừ; số thu nhập còn được nhận.
– Ngày, tháng, năm lập chứng từ khấu trừ thuế.
– Họ tên, chữ ký của người trả thu nhập.
Trường hợp sử dụng chứng từ khấu trừ thuế điện tử thì chữ ký trên chứng từ điện tử là chữ ký số.
(2) Biên lai
Nội dung biên lai gồm các thông tin sau:
– Tên loại biên lai: Biên lai thu thuế, phí, lệ phí không in sẵn mệnh giá; biên lai thu thuế, phí, lệ phí in sẵn mệnh giá; biên lai thu thuế, phí, lệ phí.
– Ký hiệu mẫu biên lai và ký hiệu biên lai.
– Số biên lai là số thứ tự được thể hiện trên biên lai thu thuế, phí, lệ phí. Số biên lai được ghi bằng chữ số Ả-rập có tối đa 7 chữ số. Đối với biên lai tự in, biên lai đặt in thì số biên lai bắt đầu từ số 0000001. Đối với biên lai điện tử thì số biên lai điện tử bắt đầu từ số 1 vào ngày 01/01 hoặc ngày bắt đầu sử dụng biên lai điện tử và kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm.
– Liên của biên lai (áp dụng đối với biên lai đặt in và tự in) là số tờ trong cùng một số biên lai. Mỗi số biên lai phải có từ 02 liên hoặc 02 phần trở lên, trong đó:
– Liên (phần) 1: Lưu tại tổ chức thu.
– Liên (phần) 2: Giao cho người nộp thuế, phí, lệ phí.
Các liên từ thứ 3 trở đi đặt tên theo công dụng cụ thể phục vụ công tác quản lý theo quy định của pháp luật.
– Tên, mã số thuế của tổ chức thu thuế, phí, lệ phí.
– Tên loại các khoản thu thuế, phí, lệ phí và số tiền ghi bằng số và bằng chữ.
– Ngày, tháng, năm lập biên lai.
– Chữ ký của người thu tiền. Trường hợp sử dụng biên lai điện tử thì chữ ký trên biên lai điện tử là chữ ký số.
– Tên, mã số thuế của tổ chức nhận in biên lai (đối với trường hợp đặt in).
Biên lai được thể hiện là tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm tiếng nước ngoài thì phần ghi thêm bằng tiếng nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn “( )” hoặc đặt ngay dưới dòng nội dung ghi bằng tiếng Việt với cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.
Nguồn: luatvietnam
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh