Quy định về việc chuyển lỗ trong quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
Quy định về việc chuyển lỗ trong quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam được nêu cụ thể trong Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, đối với lỗ của kỳ kế toán, nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đủ để bù đắp, lỗ đó sẽ được chuyển sang kỳ kế toán sau để bù đắp vào phần lợi nhuận chưa chịu thuế của kỳ kế toán sau.
* Quy định về chuyển lỗ
– Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Doanh nghiệp tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm sau khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm.
– Doanh nghiệp có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên.
– Doanh nghiệp tự xác định số lỗ được trừ vào thu nhập theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp trong thời gian chuyển lỗ có phát sinh tiếp số lỗ thì số lỗ phát sinh này (không bao gồm số lỗ của kỳ trước chuyển sang) sẽ được chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp xác định số lỗ doanh nghiệp được chuyển khác với số lỗ do doanh nghiệp tự xác định thì số lỗ được chuyển xác định theo kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra nhưng đảm bảo chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định.
Quá thời hạn 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ, nếu số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp sau.
Lưu ý:
– Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải quyết toán thuế theo quy định).
– Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
– Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chia, tách thành doanh nghiệp khác và đang còn trong thời gian chuyển lỗ theo quy định thì số lỗ này sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp sau khi chia, tách theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu được chia, tách.
* Cách chuyển lỗ
Việc kết chuyển lỗ vào quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Việt Nam bị quy định một cách cụ thể bởi pháp luật. Dưới đây là các bước kết chuyển lỗ như sau:
- Xác định lãi – lỗ theo luật thuế TNDN
Theo Điều 9, Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định “Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang”
*Công thức tính thu nhập tính thuế:
Thu nhập tính thuế | = | Thu nhập chịu thuế | – | ( | Thu nhập được miễn thuế | + | Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định | ) |
Trong đó, thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế | = | Doanh thu | – | Chi phí được trừ | + | Các khoản thu nhập khác |
Như vậy: Lãi hay lỗ hoạt động kinh doanh được xác định bằng công thức sau:
Lãi/lỗ | = | Doanh thu | – | Chi phí được trừ | + | Các khoản thu nhập khác | – | Thu nhập được miễn thuế |
– Doanh nghiệp lãi nếu kết quả công thức trên lớn hơn 0. Lúc này, kế toán kết chuyển lỗ (nếu có) để xác định thu nhập tính thuế.
– Doanh nghiệp lỗ nếu kết quả công thức trên nhỏ hơn 0. Khi đó, doanh nghiệp không phải nộp thuế TNDN
- Trường hợp Doanh nghiệp lỗ : Khi đó, doanh nghiệp không phải nộp thuế TNDN và DN kết chuyển lỗ xảy ra 02 trường hợp sau:
* Trường hợp doanh nghiệp chỉ phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh và không có hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Trong trường hợp này thì doanh nghiệp chỉ kê khai chuyển lỗ vào phần I của phụ lục 03-2/TNDN.
- Khi số lỗ của kỳ trước nhỏ hơn số lãi của kỳ này thì doanh nghiệp thực hiện chuyển lỗ 1 lần và số tiền lỗ được chuyển trong kỳ này bằng với số lỗ phát sinh của kỳ trước;
- Khi số lỗ của kỳ trước lớn hơn số lãi của kỳ này thì doanh nghiệp thực hiện chuyển lỗ dần, số lỗ của kỳ trước được chuyển bằng số tiền lãi phát sinh trong kỳ này và được chuyển liên tục tối đa trong vòng 5 năm;
- Nếu doanh nghiệp phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, trong các kỳ tính thuế trước doanh nghiệp phát sinh lỗ và số lỗ đó vẫn còn trong thời hạn chuyển lỗ thì doanh nghiệp phải chuyển lỗ tương ứng với các hoạt động có thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp doanh nghiệp không tách riêng được lỗ của từng hoạt động thì chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế trước nếu vẫn còn lỗ thì chuyển tiếp vào thu nhập của hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
* Trường hợp doanh nghiệp vừa phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh vừa phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản
- Đối với trường hợp này thì doanh nghiệp phải tách riêng phần lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh và lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Doanh nghiệp kê khai chuyển lỗ của hoạt động kinh doanh vào phần I và kê khai chuyển lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào phần II của phụ lục 03-2/TNDN.
- Trong kỳ tính thuế:
- Nếu hoạt động chuyển nhượng bất động sản phát sinh lỗ, hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh lãi thì số lỗ của hoạt động chuyển nhượng BĐS sẽ được bù trừ với số lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi bù trừ mà vẫn còn lỗ thì số lỗ còn lại sẽ được chuyển sang các năm tiếp theo trong thời hạn chuyển lỗ theo quy định;
- Nếu hoạt động chuyển nhượng BĐS lời và hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ thì không được bù trừ lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi của hoạt động chuyển nhượng BĐS trong kỳ. Trừ khi doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và sau khi có quyết định giải thể nếu doanh nghiệp có tài sản cố định là BĐS và chuyển nhượng lại nếu hoạt động chuyển nhượng BĐS này phát sinh lời thì sẽ được bù trừ với lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ và lỗ của các kỳ trước chuyển sang.
- Tóm lại : theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp có thể kết chuyển lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm. Cụ thể, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thuế thu nhập doanh nghiệp bị lỗ trong một kỳ kê khai thuế, lỗ đó có thể được kết chuyển sang 5 năm sau đó để trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp của các kỳ kê khai. Việc kết chuyển này giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng thuế trong các năm có lợi nhuận.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh