Lao động nữ đang mang thai được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi nào?
Lao động nữ đang mang thai được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi nào?
- 1. Cơ sở pháp lý:
- 2. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
- 2.1. Quy định pháp luật
- 2.2. Bình luận quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
- Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật lao động năm 2019
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
- Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
2.1. Quy định pháp luật
Điều 138 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai như sau:
- Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
2.2. Bình luận quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định cụ thể về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai. Quy định này được ban hành nhằm phù hợp với điều kiện lao động cụ thể của lao động nữ làm công việc hoặc ngành nghề không bảo đảm cho sự phát triển của thai nhi cũng như quá trình làm mẹ an toàn của lao động nữ, đồng thời phù hợp với quy định tại Công ước CEDAW. Do đó thể hiện pháp luật lao động đặc biệt chú trọng bảo vệ lao động nữ mang thai trong thời gian tham gia quan hệ lao động.
Theo đó, điều kiện để lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Khi người lao động nữ muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Việc quy định người lao động nữ phải thông báo trước cho người sử dụng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hay tạm hoãn hợp đồng lao động sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động thời gian để tuyển dụng nhân sự mới,thay thế vị trí cho người lao động nữ, cũng như sắp xếp nhân sự phù hợp. Đồng thời, việc yêu cầu người lao động nữ phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi mới được hưởng quyền này có ý nghĩa hạn chế việc người lao động nữ mang thai tùy ý chấm dứt hợp đồng lao động hay tạm hoãn hợp đồng lao động, tránh được sự xáo trộn trong quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 quy định mang thai phải nghỉ việc có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước. Nội dung Điều 138 Bộ luật lao động năm 2019 đã cụ thể thêm điều kiện lao động nữ mang thai được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là:
– Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
– Thông báo cho người sử dụng lao động biết.
Về bản chất, Điều 138 và Điều 35 không mâu thuẫn với nhau, để có thể được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đương nhiên người lao động có trách nhiệm chứng minh với người sử dụng lao động rằng mình thuộc trường hợp được hưởng quyền đó. Bộ luật lao động năm 2019 quy định thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động, như vậy có thể hiểu rằng, bất kỳ thời điểm nào kể từ khi nhận được xác nhận của cơ sở khám bệnh, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Về quyền tạm hoãn hợp đồng lao động, đây là nội dung thể hiện sự cụ thể quy định tại điểm d khoản 1 Điều 30 Bộ luật lao động năm 2019. Theo đó, khi người lao động nữ muốn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Bộ luật lao động năm 2019 cũng quy định về: “Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời hạn tạm hoãn cho người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian sau cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.”
Thực tế, Điều 30 Bộ luật lao động năm 2019 không quy định thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động tối thiểu hay tối đa, mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động nữ mang thai, Điều 138 bộ luật lao động năm 2019 ấn định thời gian tối thiểu cho việc tạm hoãn hợp đồng lao động là thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Có thể thấy, quy định này mang tính chất nhân văn, thể hiện pháp luật lao động luôn cố gắng bảo vệ một cách tối đa quyền lợi cho người lao động nữ, bởi lẽ nếu không có khoảng thời gian tối thiểu này, người sử dụng lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận thời gian càng ngắn càng tốt và đương nhiên không thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động đang mang thai một cách đầy đủ.
Đồng thời, Điều 138 bộ luật lao động năm 2019 quy định, kể cả không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên có quyền thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Điều nay thực chất được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 30 bộ luật lao động năm 2019: “h) trường hợp khác do hai bên thỏa thuận“.
Nguồn: luatminhkhue
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Tầng 4, khu Trung tâm Thương mại Hoàng Gia, đường Lạc Long Quân, Phường Kinh Bắc, Thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh