BẢN TIN THUẾ THÁNG 04/2022
Mục lục bài viết
Lao động
Quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở
Ngày 01/03/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định nêu rõ công đoàn cơ sở được sử dụng 75% số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí và 100% số thu khác (trước đây không quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí và đoàn phí của công đoàn cơ sở mà sẽ do Tổng Liên đoàn công bố hàng năm).
Ngoài ra, hạn mức sử dụng kinh phí, đoàn phí công đoàn được điều chỉnh như sau:
– Đối với kinh phí công đoàn: chi tối thiểu 60% cho việc chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đoàn viên, người lao động; tối đa 25% chi cho tuyên truyền, vận động và tối đa 15% chi quản lý hành chính.
– Đối với đoàn phí công đoàn: tối đa 45% chi lương, phụ cấp cho cán bộ công đoàn; tối thiểu 40% chi thăm hỏi đoàn viên và tối đa 15% chi khác.
Về mức thu đoàn phí (đoàn viên đóng) và kinh phí công đoàn (doanh nghiệp đóng) vẫn áp dụng theo Quyết định số 1908/QĐ -TLĐ ngày 19/12/2016.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2022 và thay thế Quyết định số 1910/QĐ -TLĐ ngày 19/12/2016.
(Quyết định số 4290/QĐ -TLĐ ngày 01/03/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Dừng thực hiện chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động nhiễm Covid -19
Theo Quyết định số 4292/QĐ -TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính sách hỗ trợ (từ 1,5 đến 3 triệu đồng) cho đoàn viên, người lao động nhiễm Covid -19 ban hành tại Quyết định số 3749/QĐ -TLĐ ngày 15/12/2021 chính thức dừng thực hiện kể từ ngày 01/03/2022:
– Việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 (kể cả F0 tử vong) sẽ được thực hiện theo quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp tại các Quyết định số 4290/QĐ -TLĐ về điều chỉnh hạn mức chi tài chính của công đoàn cơ sở và Quyết định số 4291/QĐ -TLĐ về chế độ chi tiêu của cơ quan công đoàn có hiệu lực từ ngày 01/03/2022.
– Các trường hợp bị nhiễm Covid -19 trước ngày 01/03/2022 sẽ được tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến ngày 31/03/2022.
(Quyết định số 4292/QĐ -TLĐ ngày 01/03/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Thông tư số 18/2021/TT -BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng
Đối tượng áp dụng là người lao động làm các công việc liên quan đến sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông – lâm – ngư – diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được; hoặc gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu.
Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm, cụ thể:
– Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày/ một tuần không quá 12 giờ và 72 giờ (quy định cũ là 64 giờ/ tuần).
– Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ (quy định cũ: 32 giờ).
– Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ (không thay đổi so với quy định cũ). Người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục) hằng tuần. Đối với những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư số 54/2015/TT -BLĐTBXH ngày 16/12/2015
(Thông tư số 18/2021/TT -BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)
Thuế nhà thầu nước ngoài
Khai trương Cổng thông tin điện tử đăng ký mã số thuế, kê khai thuế và nộp thuế cho nhà cung cấp nước ngoài
Ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế tổ chức chính thức công bố khai trương Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài. Theo đó, kể từ ngày 21/03/2022, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có thể trực tiếp đăng ký mã số thuế, thực hiện kê khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam theo Quy định tại Chương IX, Thông tư số 80/2021/TT -BTC.
Một số lưu ý về kê khai thuế đối với nhà của nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp đăng ký mã số thuế, kê khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam như sau:
Thời hạn kê khai và nộp thuế: Khai thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài là loại thuế khai và nộp theo quý, thời hạn kê khai và nộp thuế của quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Phương pháp tính thuế: Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu. Trong đó:
– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNDN là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.
– Thuế suất đối với từng sản phẩm, dịch vụ được quy định cụ thể tại Nghị định số 209/2013/NĐ -CP về thuế GTGT và Nghị định số 218/2013/NĐ -CP về thuế TNDN.
Hình thức đăng ký mã số thuế, kê khai, nộp thuế: trực tuyến thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ https://etaxvn.gdt.gov.vn.
Hóa đơn
Lưu ý khi triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (“HĐĐT”) mới
Ngày 27/12/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 5113/TCT-CS giải đáp một số vướng mắc liên quan đến việc triển khai áp dụng HĐĐT mới theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Một số nội dung đáng chú ý như sau:
– Gửi Thông báo tiếp nhận và kết quả xử lý về việc HĐĐT đã lập có sai sót (Mẫu 01/TBSSĐT): sau khi tiếp nhận Mẫu số 04/ SSĐT thông báo về việc hóa đơn có sai sót do người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế, cán bộ thuế được ủy quyền thực hiện ký số trên Mẫu 01/TB-SSĐT để thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý đối với hóa đơn có sai sót cho người nộp thuế.
– Ngừng sử dụng và hủy hóa đơn cũ sau khi được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng HĐĐT mới:
-
-
- Sau khi được cơ quan chấp thuận sử dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2020/ND-CP, doanh nghiệp phải ngừng sử dụng và tiêu hủy các hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử đã phát hành nhưng chưa sử dụng theo các quy định trước đây. Thủ tục tiêu hủy thực hiện theo Điều 27 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. VĂN BẢN MỚI
- Trong thời gian Thông tư số 39/2014/TT-BTC còn hiệu lực, doanh nghiệp có thể gửi Thông báo hủy hóa đơn Mẫu số TB03/AC và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn Mẫu BC26 để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng Quản lý ấn chỉ.
-
– Kết nối phần mềm lập HĐĐT với phần mềm kế toán: không bắt buộc.
– Đăng ký sử dụng đồng thời HĐĐT có mã và không có mã: áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực, có lĩnh vực thuộc diện sử dụng HĐĐT không có mã, có lĩnh vực thuộc diện sử dụng HĐĐT có mã, thì doanh nghiệp được đăng ký sử dụng đồng thời HĐĐT có mã hoặc không có mã tương ứng cho từng hoạt động. Tạm thời, Doanh nghiệp sẽ đăng ký HĐĐT theo phân loại của cơ quan thuế, Tổng Cục Thuế sẽ nâng cấp ứng dụng đảm bảo người nộp thuế được đăng ký sử dụng đồng thời cả hai loại HĐĐT có mã và không có mã.
– Sử dụng HĐĐT đối với công ty mẹ có Công ty con, Chi nhánh sử dụng chung phần mềm kế toán và phần mềm lập hóa đơn nhưng Công ty con, Chi nhánh không có trụ sở thuộc 06 tỉnh thành phố ưu tiên áp dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/ND-CP: cả hệ thống sẽ đăng ký sử dụng HĐĐT không có mã nếu đáp ứng điều kiện về ngành nghề và hệ thống công nghệ thông tin.
(Công văn số 5113/TCT-CS ngày 27/12/2021 ban hành bởi Tổng cục Thuế)
Thuế giá trị gia tăng
Hướng dẫn giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP
Để đảm bảo thực hiện thống nhất nội dung Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung như sau:
Về các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT:
-
- Các Cục Thuế hướng dẫn người nộp thuế đối chiếu hàng hóa, dịch vụ mà người nộp thuế sản xuất, kinh doanh với các nhóm hàng hóa, dịch vụ loại trừ không được giảm thuế tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP để thực hiện đúng quy định.
Về thời điểm lập hóa đơn:
– Trường hợp cơ sở kinh doanh ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, đã lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền trước ngày 01/02/2022 với thuế suất 10% nhưng dịch vụ hoàn thành trong thời gian từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 thì đối với phần tiền đã lập hóa đơn trước ngày 01/02/2022 không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT; đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán, được lập hóa đơn từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định của pháp luật thì được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT.
– Trường hợp cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc mức thuế suất 10% trong tháng 01/2022 nhưng đến tháng 02/2022 cơ sở kinh doanh mới lập hóa đơn đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong tháng 01/2022 thì thuộc trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm và không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT.
– Đối với các hóa đơn đã lập trước ngày 01/02/2022 với thuế suất thuế GTGT 10%, sau ngày 01/02/2022 phát sinh các nội dung sai sót cần điều chỉnh về tiền hàng, thuế GTGT hoặc trả lại hàng thì hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế GTGT là 10%.
– Đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đặc thù như cung cấp điện, cơ sở kinh doanh được giảm thuế GTGT theo quy định đối với các hóa đơn lập từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
(Công văn số 2688/BTC-TCT ngày 23/03/2022 của Bộ Tài chính)
Phí và lệ phí
Thông tư 25/2022/TT-BTC quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí lĩnh vực chứng khoán
Ngày 28/4/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 25/2022/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo đó, giảm lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ từ 10 triệu đồng xuống còn 05 triệu đồng/giấy chứng nhận. Đồng thời, phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch là 830.000 đồng. Đáng chú ý, thay đổi mức phí giám sát hoạt động chứng khoán so với trước đây, cụ thể:
Thứ nhất, với Sở Giao dịch chứng khoán: Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm bằng 0,081% giá trị giao dịch (quy định cũ là 0,009% giá trị giao dịch); Đối với trái phiếu doanh nghiệp bằng 0,00315% giá trị giao dịch (quy định cũ là 0,0035% giá trị giao dịch).
Thứ hai, với ngân hàng thanh toán: Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm bằng 0,001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 01 triệu đồng/ngày; Đối với trái phiếu doanh nghiệp bằng 0,0001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 100.000 đồng/ngày…
(Thông tư 25/2022/TT-BTC do Bộ tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 )
Để được tư vấn đầy đủ về các vấn đề nêu trên xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:
© Bản quyền thuộc về Công ty TNHH Tư vấn tài chính – Kiểm toán Faco Việt Nam
Ấn phẩm này chỉ chứa những nội dung mang tính thông tin chung, không nhằm đưa ra những hướng dẫn và tư vấn cụ thể nào về kế toán, thuế, pháp lý hay những vấn đề chuyên môn khác và không được cung cấp cho bất kỳ trường hợp cụ thể của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Độc giả cần tham khảo các ý kiến của các chuyên gia tư vấn đối với bất cứ vấn đề cụ thể nào.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh
Dịch vụ làm Báo cáo tài chính trọn gói
Dịch vụ kiểm toán cho Doanh nghiệp