CPTPP_ KHU VỰC TỰ DO THƯƠNG MẠI HẤP DẪN NHẤT THẾ GIỚI
CPTPP – Khu vực tự do thương mại hấp dẫn nhất thế giới.
Mục lục bài viết
Quá trình hình thành của CPTPP
Khởi đầu, Hiệp định TPP (Trans – Pacific Partnership) có 4 nước tham gia là Brunei, Chile, New Zealand, Singapore và vì vậy được gọi tắt là Hiệp định P4. Tuy nhiên ngày 22 tháng 9 năm 2008, Mỹ tuyên bố tham gia vào P4 nhưng đề nghị không phải trong khuôn khổ Hiệp định P4 cũ, mà các bên sẽ đàm phán một Hiệp định hoàn toàn mới, gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngày 04 tháng 02 năm 2016, sau nhiều vòng đàm phán Bộ trưởng của 12 nước (Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australian, Nhật bản, Singapore,Brunei, Malayxia và Việt Nam) tham gia Hiệp định TPP đã tham dự Lễ ký để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland, New Zealand.
Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 01 năm 2017- dưới thời tổng thống Donald Trump- Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP. Trước sự kiện này, các nước TPP còn lại đã tích cực nghiên cứu, trao đổi nhằm thống nhất được hướng xử lý đối với Hiệp định TPP trong bối cảnh mới và 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP (Comperhensive and Progressive Agreement for Trans – Pacific Partnership) với những nội dung cốt lõi đã thống nhất trước đây.
Ngày 08 tháng 3 năm 2018, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức ký kết Hiệp định CPTPP tại thành phố Santiago, Chile và có hiệu lực từ 30/12/2018 (khi có quá 50% các nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định).
Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12 tháng 11 năm 2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019
Với 11 nước tham gia, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ (xóa bỏ 95% thuế quan giữa các nước thành viên, được hình thành dưới dạng một hiệp định thương mại ưu đãi, có mục đích cắt giảm hàng rào thuế quan, điều chỉnh các quy tắc nội bộ của các nước tham gia trong lĩnh vực luật lao động, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường), sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 11% GDP toàn cầu. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4-5% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Kết nạp thêm Anh Quốc làm thành viên mới
Vào đúng dịp kỷ niệm một năm chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit) sau 47 năm gắn bó hồi đầu tháng 2/2021, Anh đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP và được các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương nhất trí kết nạp là thành viên thứ 12 này vào ngày 02/6/2021.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết việc Anh trở thành thành viên của CPTPP sẽ chứng minh rằng “một năm sau khi chúng tôi rời EU, chúng tôi đang xây dựng những quan hệ đối tác mới”.
Như vậy thị phần của CPTPP mới sẽ bao gồm 570 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 16,7% GDP toàn cầu.
Và tiếp theo Anh sẽ là thành viên quan trọng nào?
Thành viên tiếp theo của CPTPP sẽ là một ẩn số lớn khi có 2 đối thủ nặng ký đều để ngỏ ý định gia nhập Hiệp định này trong đó:
Ẩn số thứ nhất
Khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP gần đây được giới chuyên gia nhắc tới khá nhiều, nhất là sau khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ – người vốn theo đuổi mục tiêu này trong thời gian dài khi còn là phó tổng thống dưới thời Obama.
Trước hết, về mặt cá nhân, bản thân ông Joe Biden vốn là người đã ủng hộ TPP, trực tiếp và gián tiếp, bởi đã từng là Phó Tổng thống Mỹ thời ông Obama, giai đoạn mà TPP được định hình với vai trò trụ cột và sự dẫn dắt của Mỹ; đặc biệt, ông Biden từng nói trong một buổi tranh luận ở Detroit với các đối thủ tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ hồi tháng 1-2019 rằng, ông sẽ đàm phán lại TPP nếu trở thành tổng thống, ông nhấn mạnh, hoặc là Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ 21 hoặc là chúng ta sẽ làm điều đó.
Cũng trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, ông Biden nói với trung tâm nghiên cứu Council on Foreign Relations rằng, dù TPP không phải là một hiệp định hoàn hảo, nhưng nó là một phương thức tốt cho các quốc gia cùng tập hợp lại “để kiềm chế sự thái quá của Trung Quốc”.
Như vậy, tham gia CPTPP sẽ giúp Mỹ củng cố các mối quan hệ chiến lược và kinh tế với châu Á – khu vực đã trở thành động lực cho tăng trưởng toàn cầu và dự kiến sẽ chiếm 50% nền kinh tế toàn cầu vào năm 2040. Chưa kể, bối cảnh Covid-19 càng cho thấy những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiết lập chuỗi cung ứng bền vững với các đối tác đáng tin cậy là một giải pháp quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi trong các mạng lưới này, và CPTPP đáp ứng yêu cầu này.
Ẩn số thứ hai
Sau khi cựu Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi TPP, Nhật Bản, Australia và các nước khác bắt đầu thúc đẩy một định dạng mới là CPTPP. Vào thời điểm đó, nhiều người bày tỏ ý muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất hoặc lớn thứ hai của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, theo hãng Sputnik (Nga), nếu Trung Quốc quyết định tham gia CPTPP, con đường gia nhập không dễ dàng. Bắc Kinh sẽ phải đạt thỏa thuận về các điều khoản với tất cả các bên tham gia, bao gồm Australia, Nhật Bản, Canada. Trung Quốc có những mâu thuẫn nhất định với các đồng minh truyền thống của Mỹ. Ví dụ, Bắc Kinh có các vấn đề thương mại với Australia, sau khi Trung Quốc cấm một số mặt hàng nhập khẩu từ Australia gồm rượu vang, lúa mạch, thịt bò, than đá. Quan hệ với Canada cũng đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei Mạnh Vãn Châu.
Cuối cùng, triển vọng của Trung Quốc gia nhập CPTPP vẫn chưa rõ ràng nếu Mỹ đột ngột muốn quay trở lại hiệp định. Không thể loại trừ khả năng Mỹ tham gia trở lại hiệp định bởi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bãi bỏ nhiều sắc lệnh của người tiền nhiệm. Mặt khác, chính quyền Mỹ lại đi theo hướng hội nhập vào các cơ chế tài chính và thương mại quốc tế.
Từ một góc nhìn khác, Trung Quốc là thị trường tiêu dùng và đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia tham gia CPTPP, bao gồm Australia, New Zealand và Nhật Bản. Tự do hóa thương mại sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của các sản phẩm của họ trên thị trường, điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới là lớn hơn so với tất cả các thành viên CPTPP cộng lại, vì vậy sự tham gia của Trung Quốc có thể làm tăng đáng kể ảnh hưởng của hiệp hội này đối với tất cả các quá trình thương mại trên thế giới.
Như vậy, tự thân nền kinh tế của các quốc gia thành viên trong Hiệp định CPTPP vào thời điểm 2021 đã nắm giữ một tỷ trọng GDP tương đối lớn trong tổng GDP toàn cầu, và là một liên minh kinh tế lớn trên thế giới. Việc Mỹ,Trung Quốc hay các nền kinh tế lớn trên thế giới… là thành viên gia nhập tiếp theo không phải là yếu tố quyết định tính sinh tồn của liên minh này, nhưng nó sẽ là bước bản lề đưa liên minh này lên tầm cao mới và chắc chắn rằng sẽ phát huy hết sức mạnh của các quốc gia thành viên và đặc biệt, do Hiệp định CPTPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp kinh tế Việt Nam và các thành viên tăng trưởng bền vững hơn.