XÁC ĐỊNH DOANH THU KHI QUYẾT TOÁN THUẾ CÔNG TRÌNH
Các công trình xây dựng thường có thời gian xây dựng kéo dài nên việc xác định doanh thu được thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao.
Nhưng khi công trình được phê duyệt quyết toán, giá trị công trình có thể bị điều chỉnh giảm => Cách xử lý khi điều chỉnh giảm doanh thu do quyết toán công trình xây dựng, cụ thể như sau:
Mục lục bài viết
Quy định điều chỉnh doanh thu do quyết toán công trình xây dựng
Theo quy định điều chỉnh doanh thu do quyết toán công trình xây dựng bao gồm: Hóa đơn chứng từ và kê khai thuế, cụ thể như sau:
Hóa đơn chứng từ
Theo Thông tư 39/2014/TT-BTC tại Phụ lục 4 Điểm 2.10 quy định việc lập hóa đơn trong hoạt động xây lắp như sau:
“2.10. Cơ sở xây dựng có công trình xây dựng, lắp đặt mà thời gian thực hiện dài, việc thanh toán tiền thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, phải lập hóa đơn thanh toán khối lượng xây lắp bàn giao. Hóa đơn GTGT phải ghi rõ doanh thu chưa có thuế và thuế GTGT. Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành đã lập hóa đơn thanh toán giá trị công trình nhưng khi duyệt quyết toán giá trị công trình XDCB có điều chỉnh giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì lập hóa đơn, chứng từ điều chỉnh giá trị công trình phải thanh toán.”
=> Căn cứ theo quy định trên, trường hợp Công ty xây lắp đã xuất hóa đơn thanh toán khối lượng xây dựng bàn giao, nhưng khi duyệt quyết toán công trình có điều chỉnh giảm giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì Công ty xây lắp phải lập hóa đơn, chứng từ điều chỉnh giảm doanh thu.
Theo Điều 20 Khoản 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về việc xử lý đối với những hóa đơn đã lập như sau:
“3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (Tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng,… tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số …, ký hiệu … Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”
=> Chứng từ đi kèm hóa đơn điều chỉnh giảm giá trị công trình gồm:
– Phê duyệt quyết toán của cơ quan có thẩm quyền hoặc Biên bản thông qua giá trị quyết toán công trình của các Ban ngành.
– Biên bản thỏa thuận giảm giá trị công trình giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công.
– Xác nhận công nợ giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Kê khai thuế
Theo Điều 20 Khoản 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về việc xử lý đối với những hóa đơn đã lập mà có điều chỉnh thì “Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.”
=> Căn cứ quy định trên, các bên căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh để kê khai giảm doanh thu và giảm thuế GTGT vào kỳ phát sinh hóa đơn điều chỉnh.
(Đối với đơn vị thi công điều chỉnh giảm giá vốn xây lắp nếu giảm giá trị công trình có liên quan tới loại bỏ những hạng mục thi công).
Hạch toán kế toán khi điều chỉnh giảm doanh thu do quyết toán công trình xây dựng
Đối với đơn vị thi công xây dựng
Nếu hóa đơn điều chỉnh giảm cùng năm lập hóa đơn
Căn cứ hóa đơn điều chỉnh giảm giá trị công trình, ghi:
Nợ TK 511
Nợ TK 3331
Có TK 131, 111, 112
Nếu hóa đơn điều chỉnh giảm vào năm sau kỳ quyết toán
Nếu doanh thu điều chỉnh giảm có giá trị nhỏ, chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà không ảnh hưởng đến chi phí => Có thể điều chỉnh giảm doanh thu vào năm hiện tại. Khi đó nghĩa vụ thuế của năm trước không bị ảnh hưởng, nghĩa vụ thuế của năm hiện tại sẽ được điều chỉnh giảm, ghi:
Nợ TK 511
Nợ TK 3331
Có TK 131, 111, 112
Nếu doanh thu điều chỉnh giảm có giá trị lớn và có ảnh hưởng đến chi phí của những năm trước.
Theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 29, Đoạn 23 quy định như sau:
“23. Doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố những sai sót trọng yếu liên quan đến các kỳ trước vào báo cáo tài chính phát hành ngay sau thời điểm phát hiện ra sai sót bằng cách:
(a) Điều chỉnh lại số liệu so sánh nếu sai sót thuộc kỳ lấy số liệu so sánh; hoặc
(b) Điều chỉnh số dư đầu kỳ của tài sản, nợ phải trả và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của kỳ lấy số liệu so sánh, nếu sai sót thuộc kỳ trước kỳ lấy số liệu so sánh.”
=> Căn cứ theo quy định trên thì sai sót này là sai sót trọng yếu doanh nghiệp cần phải điều chỉnh hồi tố. Điều chỉnh vào Số Dư Đầu Kỳ của những Tài khoản có sai sót và điều chỉnh bổ sung Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm có doanh thu chi phí bị điều chỉnh giảm.
Đối với đơn vị chủ đầu tư
Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh giảm => Hạch toán ghi giảm giá trị đầu tư và thuế đầu vào, đồng thời tập hợp chứng từ, hóa đơn bổ sung điều chỉnh nguyên giá tài sản cố định, ghi:
Nợ TK 331: Giá trị thanh toán giảm
Có TK 241: Giá trị đầu tư do quyết toán giảm
Có TK 133: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ giảm.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh
Dịch vụ làm Báo cáo tài chính trọn gói