Categories
TIN TỨC Tin tức tổng hợp

KHI NÀO DOANH NGHIỆP ĐƯỢC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG?

KHI NÀO DOANH NGHIỆP ĐƯỢC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG?

Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 đã được thay đổi so với Bộ luật Lao động 2012, đặc biệt là quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.

1/ Khi nào NSDLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Điều 36 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã quy định cụ thể 07 trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, gồm:

– Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc;

– Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị trong thời gian quy định mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe bình phục, người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

– Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

– Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng;

– Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

– Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 05 ngày liên tục trở lên;

– Người lao động cung cấp không trung thực thông tin cá nhân khi ký hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

So với quy định nêu tại khoản 1 Điều 38 BLLĐ năm 2012, NSDLĐ có thêm 03 trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ được coi là hợp pháp khi người lao động: tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục trở lên không có lý do chính đáng; đủ tuổi nghỉ hưu; cung cấp không trung thực thông tin khi ký hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

2/ Có phải báo trước khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Hiện nay, theo quy định tại Điều 38 BLLĐ năm 2012, người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ luôn phải đảm bảo thời gian báo trước cho người lao động biết:

– Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn;

– Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn;

– Ít nhất 03 ngày làm việc đối với người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị mà chưa hồi phục khả năng lao động; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (sau đây gọi chung là hợp đồng thời vụ).

Quy định về số ngày báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn và trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn vẫn được BLLĐ 2019 tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, đối người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn, thời gian báo trước có sự điều chỉnh nhằm phù hợp với quy định mới.

Xuất phát từ việc BLLĐ năm 2019 đã bãi bỏ quy định về hợp đồng thời vụ, mà thay vào đó, người lao động và người sử dụng lao động phải ký hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn.

Vì vậy, thời gian báo trước trong trường hợp này được Khoản 2 Điều 36 BLLĐ 2019 điều chỉnh như sau:

  • Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ thời hạn từ 12 – 36 tháng;
  • Ít nhất 03 ngày đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.


3/ Từ 2021, NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước

Đây là nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại BLLĐ năm 2019. Nếu như BLLĐ năm 2012 buộc NSDLĐ phải báo trước cho người lao động biết khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thì với BLLĐ 2019, NSDLĐ có thể không cần báo trước.

Theo quy định của khoản 3 Điều 36 BLLĐ 2019, NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong 02 trường hợp sau:

– Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động;

– Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Trong đó, các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng của người lao động được liệt kê tại khoản 1 Điều 30 BLLĐ 2019 gồm:

– Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

– Bị tạm giữ, tạm giam;

– Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

– Lao động nữ mang thai;

– Được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…

Hết thời gian tạm hoãn hợp đồng, người lao động phải quay trở lại làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết tạm hoãn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, khi BLLĐ năm 2019 có hiệu lực, người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước cho người lao động.

 

4/ Nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ hợp pháp

Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

Theo BLLĐ năm 2012, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, Điều 46 BLLĐ 2019 đã quy định 02 trường hợp NSDLĐ không phải trả trợ cấp thôi việc:

– Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu;

– Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày liên tục trở lên;

NSDLĐ chỉ phải trả trợ cấp thôi việc được người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Trong đó, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động

Để đảm bảo cho việc thanh toán giữa người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt HĐLĐ, BLLĐ năm 2019 đã kéo dài thời thanh toán các khoản tiền lên đến 14 ngày làm việc (theo BLLĐ năm 2012 là 07 ngày) kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.

Trong thời hạn nêu trên, NSDLĐ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền cho người lao động, trừ một số trường hợp sau đây nhưng không được quá 30 ngày:

– Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

– Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

– Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

– Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Trách nhiệm khác

Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 BLLĐ 2019, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm:

– Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động (nếu có);

– Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Trên đây là những phân tích liên quan đến quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hợp pháp của NSDLĐ được thực hiện từ ngày 01/01/2021.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM

Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.

Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.

Website: https://facovietnam.com

Email: Contact.facovietnam@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam

Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang

Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang

Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh

Dịch vụ làm Báo cáo tài chính trọn gói

Dịch vụ kiểm toán cho Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Gọi Ngay!