CHÍNH THỨC GIẢM THUẾ GTGT NĂM 2022 XUỐNG CÒN 8% VÀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15
Ngày 11 tháng 01 năm 2022, quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của năm 2022. Nghị quyết đã chính thức thông qua đề xuất giảm thuế GTGT các mặt hàng từ 10% xuống 8% trong năm 2022 và nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động phát triển kinh tế sớm vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. FACO VIỆT NAM sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu các nội dung mới của Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
- 1 Giảm thuế GTGT 2% (từ 10% còn 8%)
- 2 Cho phép tính vào chi phí được trừ khi với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp để phòng, chống dịch COVID-19
- 3 Chính sách đầu tư phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
- 4 Chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% – 1% trong 2 năm 2022 và 2023
- 5 Chính sách miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
- 6 Chính sách đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
- 7 Mục tiêu và một số cơ chế đặc thù của chính sách tài khóa năm 2022
- 8 Kết luận
- 9 CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Giảm thuế GTGT 2% (từ 10% còn 8%)
Vì sao chỉ giảm thuế GTGT 2% mà không phải là 5%
Bộ tài chính dựa trên cơ sở tính toán ngân sách chi dùng cho việc chống dịch năm 2021 là 74.000 tỉ đồng, trong khi dự phòng ngân sách là 34.500 tỉ đồng, mà giảm, hoãn và miễn các loại thuế, phí đã là 144.000 tỉ đồng, là mức rất lớn, nên khi đưa ra chính sách tài khóa năm 2022, Bộ tài chính phải cân đối phù hợp.
Ban đầu Bộ tài chính đề xuất mỗi năm là 1%, nhưng với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên dồn lại mức giảm thuế của cả 2 năm vì dự báo có lẽ năm 2023 là khó khăn, nên tính chung là 2%, trong năm 2022 sẽ triển khai thực hiện, tạo tiền đề cho kích cầu tốt hơn của năm 2023 và nền kinh tế bật lên. Như vậy thì trong năm 2022 thực hiện chính sách tài khóa giảm thu và tăng chi như thế mà vẫn đảm bảo nguồn.
Những lợi ích của việc giảm thuế GTGT 2%
Khi giảm thuế GTGT 2% thì người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi vì sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền.
Đồng thời đối với doanh nghiệp còn có thêm điều kiện duy trì và gia tăng sản xuất, qua đó vực dạy nền kinh tế, tạo công ăn việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ lạm phát.
Thêm nữa qua việc giảm thuế GTGT sẽ giúp tạo nguồn lực tài chính để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Do thuế GTGT của hàng tồn kho chưa được khấu trừ do chưa luân chuyển, nên doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính khoảng 2% tổng giá trị hàng tồn kho, tương ứng với số thuế GTGT chưa được khấu trừ còn nằm trong hàng tồn kho từ mức 10% xuống còn 8%.
🡪Như vậy, khi giảm thuế GTGT không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì và gia tăng sản xuất, mà doanh nghiệp còn được hưởng lợi khi tiết kiệm được nguồn tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, hoặc có điều kiện để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác có hiệu quả. Chính sách này cũng làm giảm áp lực vốn, tài chính cho doanh nghiệp, điều đó cũng góp phần giảm các chi phí tài chính như lãi vay cho doanh nghiệp, từ đó cũng góp phần hạ nhiệt lãi suất cho vay trên thị trường tín dụng.
Đối tượng, điều kiện và thời gian thực hiện giảm thuế GTGT 2%
Ngày 28/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội có quy định chi tiết về đối tượng và điều kiện thực hiện giảm thuế GTGT 2% như sau:
Đối tượng và điều kiện thực hiện giảm thuế GTGT 2%
Theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định: Giảm thuế GTGT xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
– Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.
– Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.
– Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.
Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT.
Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Thời gian thực hiện giảm thuế GTGT 2%
Nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2022
🡪 Chính sách giảm thuế GTGT nêu trên sẽ được áp dụng kể từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/12/2022.
Cho phép tính vào chi phí được trừ khi với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp để phòng, chống dịch COVID-19
Nhằm hỗ trợ cho việc phòng chống dịch COVID-19 được hiệu quả và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Quốc hội cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Chính sách đầu tư phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, Quốc hội đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số:
– Ngành, lĩnh vực quan trọng.
– Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
– Đặc biệt là cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Ngoài ra, cũng hỗ trợ cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.
Chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% – 1% trong 2 năm 2022 và 2023
Quốc hội điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% – 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Chính sách miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Cho phép tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Chính sách đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Áp dụng các chính sách hỗ trợ để thực hiện tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.
Mục tiêu và một số cơ chế đặc thù của chính sách tài khóa năm 2022
Mục tiêu của chính sách tài khóa năm 2022
Việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2022 nhằm đặt được một số mục tiêu quan trọng sau:
1). Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
2). Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.
3). Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Một số cơ chế đặc thù của chính sách tài khóa năm 2022
Để việc thực hiện chính sách tài khóa được hiệu quả và đảm bảo thì Quốc hội có đưa ra áp dụng cơ chế đặc thù cho một số chính sách như sau:
1). Cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2). Trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
3). Trong 2 năm 2022 và 2023, cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản thống nhất quản lý) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan chủ quản quy định tại khoản này được thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc đến khi hoàn thành dự
Kết luận
Trên đây là nội dung của bài viết “Chính thức giảm thuế GTGT năm 2022 xuống còn 8% và một số điểm mới trong chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.
Những chính sách hỗ trợ mà chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đưa ra sẽ hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp và người dân giúp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của năm 2022.
Thông qua việc nắm bắt tốt về chính sách tài khóa năm 2022 sẽ có ý nghĩa quan trọng để định hướng và xây dựng kế hoạch kinh doanh của Doanh nghiệp được phù hợp với chính sách của Nhà nước để tận dụng được tối đa sự hỗ trợ từ các chính sách cho sự phát triển của doanh nghiệp.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TÀI CHÍNH – KIỂM TOÁN FACO VIỆT NAM
Trụ sở chính: Tầng 3, Tòa nhà đa năng Việt Thắng, Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Xương Giang, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Công ty thành viên Bắc Ninh: Số 425 đường Nguyễn Trãi, Phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Việt Nam.
Website: https://facovietnam.com
Email: Contact.facovietnam@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/Facovietnam
Khóa học kế toán thuế tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Giang
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói cho Doanh nghiệp tại Bắc Ninh
Dịch vụ làm Báo cáo tài chính trọn gói